Bên cạnh nhận thức về kỹ năng CNTT, kiến thức thực hành kỹ năng CNTT của sinh viên và cơ sở vật chất tại các trường đại học thuộc khối ngành kế toán - kiểm toán thì sự tiến bộ về khoa học công nghệ cũng có tầm quan trọng không kém. Để có kỹ năng CNTT tốt, thì sinh viên không chỉ phải nâng cao kỹ năng học tập và rèn luyện từ chính nhà trường hay đội ngũ giảng viên mà còn phải biết cách vận dụng linh hoạt, có điều chỉnh cho phù hợp thông qua hình thức tự học, tự rèn luyện từ chính bản thân hay thông qua các hội nhóm. Do vậy, đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng công nghệ thông tin của sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán để đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0”, để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến kỹ năng CNTT của sinh viên và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng CNTT của sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán.
Mô hình nghiên cứu dựa trên nền tảng lý thuyết thang đo thể hiện qua bốn yếu tố: yếu tố nhận thức về kỹ năng CNTT; yếu tố về kiến thức và thực hành kỹ năng CNTT; yếu tố về chương trình đào tạo; sự tiến bộ về khoa học công nghệ. Mô hình này được hình thành thông qua ý kiến các sinh viên và giảng viên, đồng thời được chọn ra với các nhân tố có tầm quan trọng, tác động nhiều nhất đến kỹ năng CNTT. Số liệu nghiên cứu chính thức được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng với tiêu chí phân tầng theo mức độ tiếp cận kỹ năng CNTT. Có 200 phiếu là phù hợp để phân tích hồi quy đa biến để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến kỹ năng CNTT của sinh viên. Vì chuyên ngành kế toán - kiểm toán có số lượng lớn sinh viên đang học tại Trường Đại học Thương Mại nên việc lấy mẫu phân bổ sao cho sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán ở trường Đại học Thương Mại trên 30%, còn lại là sinh viên của các trường khác thuộc các trường Đại học kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội: Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng,...
Kết quả cho thấy mức độ các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng CNTT của sinh viên cao nhất là sự tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp theo là yếu tố kiến thức và thực hành kỹ năng CNTT, yếu tố về chương trình đào tạo, và cuối cùng là yếu tố về nhận thức kỹ năng CNTT. Nghiên cứu chỉ ra rằng, thực hành kỹ năng CNTT của sinh viên trong quá trình học tập là khá tốt, nhưng sinh viên vẫn chưa sử dụng thành thạo. Do đó, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất, gia tăng nhận thức về kỹ năng CNTT thì cũng cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn về thực hành kỹ năng. Cơ sở vật chất cần không ngừng đổi mới, nâng cao chức năng chuyên nghiệp hơn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của sinh viên. Có như vậy, kỹ năng CNTT của sinh viên mới thật sự phát huy tốt, bởi vì đó không chỉ là công cụ giúp sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn là nhân tố quan trọng tạo thêm cơ hội nghề nghiệp của chính bản thân họ trong tương lai. Tuy nhiên, kỹ năng CNTT trong nền CMCN 4.0 mang lại rất nhiều cơ hội cũng như lợi ích nếu họ biết tận dụng cơ hội và chủ động tham gia CMCN 4.0.
Phần kế tiếp của nghiên cứu sẽ trình bày về giới thiệu đề tài nghiên cứu, tiếp sau đó là trình bày cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu. Phần kết quả nghiên cứu cùng phần thảo luận và đề xuất sẽ tóm lược những kết quả và ý kiến thảo luận, đề xuất về những điểm mới của nghiên cứu.